Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tạp chí review trực tuyến

Review Một ngày rồi thôi - Những câu chuyện tình buồn - Nguyễn Thị Hoàng

Từ khi mẹ bỏ nhà đi không rõ lý do, cuộc sống của gia đình ông Vĩnh Hoài cùng bốn người con chìm trong những ngày dài u uất, buồn bã. Nỗi thương nhớ giày vò ông Vĩnh Hoài từng ngày, lan sang cả hai cô con gái thứ 2 và thứ 3 trong nhà, là Diễm và Nguyện. Mỗi người chọn cách đối diện với nỗi buồn bã, nỗi nhục nhã ấy theo những cách khác nhau. Vì mẹ bỏ đi Diễm bị lỡ dở mối tình đầu mà cô tưởng là mãi mãi. Còn Nguyện chọn cách đối đầu trực diện, cứ thế lao băng băng, đạp đổ tất cả, thách thức tất cả ở cái tuổi 17, 18 ngỗ ngược. Thế rồi cả hai chị em cứ thế đến với tình yêu, và ông Tơ và Nguyệt vẫn cứ thế trêu đùa hai người trong định mệnh trớ trêu. Một Ngày Rồi Thôi dành cho từng nhân vật của mình một quãng thời gian cuối cùng bên người mình yêu, có thể là hạnh phúc, có thể là khổ đau, là tiếc nuối. Nhưng đó là một ngày sống  bên người yêu dù có thể chỉ là nửa ngày, có thể chỉ vài tiếng đồng hồ, chẳng trọn vẹn. Nhưng đó là lần cuối họ sống thật với chính con tim mình. Quên đi tất cả, toàn tâm toàn ý dành trọn cho người mình yêu trong trái tim. Ông và bà Vĩnh Hoài, Hảo, Hiệp, Diễm, Vị, Nguyện và An. Tất cả cùng quanh quẩn trong cái vòng luẩn quẩn chật hẹp bế tắc của chữ yêu.
 Review Một ngày rồi thôi - Những câu chuyện tình buồn - Nguyễn Thị Hoàng

Link mua sản phẩm trên shopee:

Một Ngày Rồi Thôi miên man là những dằn vặt tâm lý của các nhân vật. Họ sống vì yêu, họ chết cũng vì yêu nhưng rồi có trọn vẹn không, có được nhau trong đời không? Ông bà Vĩnh Hoài vì hiểu lầm nhau mà chia cắt nhau mười mấy năm chẳng để làm gì, để rồi cuối cùng ngày gặp được nhau, về với nhau, cũng là ngày vĩnh viễn mất nhau lần nữa. Diễm và Hiệp chia cắt nhau chỉ vì định kiến của người lớn, để rồi Hiệp héo hon dần mòn vì yêu mà không dám đấu tranh, tự đày đọa thân mình trong hôn nhân không lối thoát, khiến cả hai đều đau khổ. Nguyện thì chìm đắm trong tình yêu đơn phương ngang trái, đau khổ với Vị, trái tim tan nát cả một đời, để rồi cuối cùng liều lĩnh dấn bước vào một cuộc hôn nhân chắc gì đã vì tình yêu. An một đời thầm yêu Nguyện nhưng cuối cùng đánh mất cô hai lần, vì ai nên nỗi, vì Nguyện không biết trân trọng tình yêu dại khờ, thầm lặng của An hay vì An hẵng chưa đủ chín chắn để can đảm nói yêu Nguyện, can đảm để yêu Nguyện đến cùng? An và Nguyện cứ như thể Hà Lan với Ngạn, ừ yêu đấy trong sáng đấy nhưng mãi mãi chỉ là tình học trò, cứ thế dịu dàng, cứ thế quan tâm, cứ thế nhẹ nhàng rồi cứ thế…. tan đi. Với kiểu con gái quá mạnh mẽ, quá cá tính, quá chủ động như Nguyện có lẽ An chỉ là một bến đỗ mộng mơ thời thanh xuân vườn trường mà thôi. Còn Hảo, bước vào cuộc hôn nhân chẳng tình yêu với Hiệp, những gì gọi là hối hận, ăn năn có lẽ đã quá muộn với cô. Hảo và Hiệp cứ thế quẩn quanh, bế tắc không thể tìm thấy nhau để rồi…. 

Nguyễn Thị Hoàng đã rất khéo léo, tinh tế khi xây dựng không gian riêng cho các nhân vật đến với nhau lần cuối, xen giữa là những đoạn độc thoại nội tâm, là những nét buồn xứ Huế trầm mặc khiến toàn truyện thấm nỗi buồn u tịch, u sầu của nắng, của mưa chốn kinh thành với sông Hương, với sắc tím áo dài. Có người hạnh phúc, có kẻ thất tình, cuối cùng tất cả đều có những lựa chọn của riêng mình sau tất cả những gì đã cho nhau lần cuối. Một Ngày Rồi Thôi có thể khiến nhiều bạn đọc mệt mỏi vì những màn độc thoại nội tâm dài dằng dặc, vì cốt truyện có khi chẳng đâu vào đâu của tác giả. Nhưng đối với mình, tác giả đã khắc họa trong tác phẩm đầy đủ cung bậc của tình yêu, có nhẹ nhàng, dịu dàng, có bạo liệt, có gian dối, có toan tính, có chân thành, có đau khổ, có dằn vặt. Tình yêu có thể khởi đầu và kết thúc theo nhiều cách, và trong Một Ngày Rồi Thôi tất cả đã kết thúc theo cái cách của riêng nó, đầy đủ, trọn vẹn, không có cái gì là chưa đủ, là chưa tới. Tất cả các nhân vật đều sống hết mình vì yêu, thậm chí kể cả các nhân vật phụ như con Sen, người hầu của nhà ông Vĩnh Hoài, hay cô Nhan, cô giáo của Nguyện, cả hai đều yêu ông Vĩnh Hoài đến chết đi sống lại. Dù không hề được ông đáp lại nhưng họ vẫn yêu, vẫn sống vì tình yêu ấy đến tận cùng, như Nguyện, như Hảo, như An. Cách họ yêu có thể khiến chúng ta bực tức, khó chịu nhưng trong tình yêu trái tim làm gì có lỗi. Nó cứ đập nhip đập của riêng nó thế thôi. 

Một Ngày Rồi Thôi một lần nữa làm nổi bật nét tài hoa, tinh tế của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng trong câu chữ, trong ngôn từ. Vẻ đẹp Huế hiện lên không thể đẹp hơn trong từng câu văn, tâm sự của từng nhân vật cũng không thể sâu sắc hơn trong từng câu chữ của bà. Mình cứ thế tự thả trôi trong miên man ngôn từ của bà, cảm thấy được tắm trong dòng suối văn trong trẻo, tinh tế đến thế là một diễm phúc. Lâu lắm rồi mình mới gặp những áng văn lạ lẫm đến thế. Chắc chắn sẽ mua hết những cuốn sách được tái bản của Nguyễn Thị Hoàng.