Nghe các cụ nhiều tuổi ở đây chia sẻ: Đền Cùng có từ thời nhà Lý – đây là nơi thờ hai nàng công chúa con gái của vua Lý Thánh Tông. Theo tương truyền, hai nàng công chúa không chỉ xinh đẹp mà còn tài giỏi giúp vua trị nước bình dân. Về sau, dân làng nhớ ơn đức của hai nàng nên lập đền thờ dưới chân núi Kim Lĩnh và đặt tên là Đền Cùng. Giếng Ngọc nằm trong khu di tích đền Cùng, có hình bán nguyệt diện tích rộng khoảng 20m2 và có nhiều bậc đá. Nước giếng trong vắt, ngọt lành và có nguồn nước quanh năm không bao giờ cạn. Không chỉ vậy, giếng Ngọc còn nổi tiếng về 3 ông cá thần sống trong lòng giếng. Những ông cá thần này có kích thước đặc biệt to, màu sắc đẹp mắt so với những giống cá bình thường, mà cá thần ở giếng còn sống rất lâu năm, cũng không ai nhớ được các ông có từ bao giờ. Dù có những năm lũ lụt lịch sử làm cho toàn bộ Giếng Ngọc bị ngập sâu trong nước lũ, tuy nhiên ba ông cá thần vẫn sống ở trong Giếng, không rời đi. Và điều đặc biệt là các loại cá khác hoặc rùa khi được thả vào trong giếng cũng không thể sống được hoặc là tự bỏ đi mất - điều này càng làm cho Giếng Ngọc càng kỳ bí và linh thiêng thêm gấp bội.
Ngày Tết Thanh Minh mùng 3 Tháng 3 hàng năm cũng là ngày hội đền Cùng Giếng Ngọc, người dân Làng Diềm sẽ tổ chức làm lễ tát giếng để dọn dẹp vệ sinh và tu bổ những phần hư hại của Giếng Ngọc. Ngày hội làng, người dân khiêng kiệu múc nước giếng Ngọc lên tế Thánh để cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, người dân được ấm no hạnh phúc.
Người dân nơi đây thường giữ thói quen múc nước giếng Ngọc để pha trà, nấu rượu. Người dân nơi đây tin tưởng rằng, nước giếng thần luôn che chở và bảo vệ họ, giúp cho họ được khỏe mạnh và may mắn, còn có nhiều ý kiến cho rằng, nhờ uống nước giếng Ngọc mà người dân làng Diềm luôn được bình an và thuận lợi trong mọi công việc, người dân làng Diềm cũng có giọng nói đặc trưng rất khác biệt so với những thôn làng xung quanh
Theo những di tích cổ còn sót lại, có thể thấy được 4 cột đá với các vết tích chữ Hán từ đầu thế kỷ XVIII. Sau khi được tôn tạo lại thành tổng thể kiến trúc gồm Tòa chính là nơi thờ Bà chúa Giếng được đặt trước Giếng Ngọc. Hai bên trái phải đều xây dựng hai gian nhà 3 gian là nơi thờ Mẫu Tam Phủ và thờ cúng các Quan Thần. Thêm vào đó còn có 5 gian tiền tế, 1 gian hậu cung và 2 lớp cổng Tam Môn. Hiện nay, để thuận tiện cho việc tiếp đón du khách thập phương về vãn cảnh chùa, người dân nơi đây còn xây dựng thêm nhà khách, nhà ghi bia công đức, khu vực để xe và trồng thêm nhiều cây xanh trong khuôn viên đền...
Nếu có dịp ghé qua khu di tích Đền Cùng Giếng Ngọc, du khách không chỉ có cơ hội tìm hiểu về một chốn tâm linh, một địa điểm nghỉ ngơi thư giãn, mà khi về tới làng Diềm - cái nôi của làng Dân ca Quan Họ Bắc Ninh du khách còn có cơ hội thưởng thức những khúc hát Quan họ đậm đà đằm thắm để càng thêm yêu quý văn hóa và con người xứ sở Kinh Bắc- Bắc Ninh.
Không bằng linh hiển thắp hương Đền Cùng
Tin rằng chuyến hành hương đầu xuân của bạn sẽ thêm trọn vẹn, ý nghĩa khi đặt chân đến thắp hương và xin nước thánh ở Đền Cùng - Giếng Ngọc.
Địa chỉ: Khu Viêm Xá, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh (còn gọi là làng Diềm)