Ba mươi năm trước bài sấm này vốn chỉ có bốn câu thơ đầu đánh dấu sự thay đổi triều đại từ Tiền Lê sang nhà Lý. Không ai ngờ vào thời vua Lý Thái Tông ba mươi năm sau thì cây gạo làng Diên Uẩn bị sét đánh làm lộ ra bài sấm truyền này với bốn câu sau được bổ sung. Chưa hết dưới gốc gạo còn có xác chết một thiền sư. Bài thơ xuất hiện trong hoàn cảnh u ám thế này khiến vương triều nhà Lý lung lay hơn bao giờ hết. Được lệnh của vua cha, Lý Nhật Tôn cùng Thường Kiệt lập tức khởi hành tới làng Diên Uẩn phá vụ án mạng thiền sư Huệ Chính, đồng thời dập tan lời đồn Ngọa Triều báo oán trong có ba ngày. Ngay sau khi đặt chân tới làng Diên Uẩn đã xuất hiện liên tiếp mấy vụ án mạng nữa, nạn nhân đều không ít thì nhiều liên quan tới lời sấm nói trên. Nhật Tôn với Thường Kiệt sẽ phải làm gì để vừa phá án vừa dập tắt lời đồn? Chuyện cũ ở Hoa Lư ba mươi năm về trước có đủ sức làm lật đổ vương triều nhà Lý hay không? Hay quá trình chuyển đổi vương triều giữa nhà Tiền Lê với nhà Lý vốn êm đẹp hay thực chất là âm mưu phản nghịch của Thái tổ Lý Công Uẩn? Ngọa Triều Lê Long Đĩnh liệu có phải là minh quân?
Đọc Dưới Cánh Đại Bàng mình lại không chú ý quá nhiều đến chất trinh thám trong truyện. Điều thu hút mình nhiều hơn là các chi tiết lịch sử khi mà Dưới Cánh Đại Bàng là tiểu thuyết minh oan cho Ngọa Triều Lê Long Đĩnh. Một ông vua vốn xưa nay phải hứng chịu bao tiếng xấu xa, rằng hoang dâm vô độ phải nằm một chỗ mà thượng triều, róc mía trên đầu thiền sư, trói tù binh vào thuyền cho giao long rỉa thịt v.v… Ai ai cũng nhớ như thế, trong chính sử cũng ghi như thế. Nhưng dưới ngòi bút của Hoàng Yến, nhân vật này lại hiện lên với một hình hài rất khác. Một minh quân biết nhìn xa trông rộng, biết suy tính cho giang sơn xã tắc. Lê Long Đĩnh được khắc họa không phải kiểu tẩy trắng vô lý mà hoàn toàn dựa vào những tình tiết chính sử đã bị lãng quên đi, những trang sử không mấy ai muốn nhớ đến. Chuyện tại sao ông phải nằm khi thượng triều, tại sao ông phải hoang dâm vô độ tất cả đều được giải đáp. Chính những giải đáp ấy khi Nhật Tôn khám phá ra khiến không ai thỏa mãn được cả, không ai có thể vỗ đùi đánh đét kêu lên rằng à án được phá rồi! Mà ai cũng sẽ như Nhật Tôn chìm trong nỗi buồn không cách nào nguôi ngoai được. Chàng cũng không hiểu bí mật này nên khám phá nó ra thì hay hơn hay cứ để mặc cho nó bị chôn vùi thì hay hơn?? Rốt cuộc thì triều Lê và triều Lý ai nợ ai? Hay đã là đấng quân vương sẽ muôn đời không thể nào buông bỏ món nợ với giang sơn xã tắc?
"Quá khứ nếu như bị khuấy lên, trong vinh quang ngày hôm nay liệu có lẫn cả máu và nước đục? Chuyện cũ ở Hoa Lư ba mươi năm về trước, có lẽ cứ để ngủ yên ở Hoa Lư thì hơn…."
Ngôi cửu ngũ là gì? Làm vua nghĩa là sao? Thế nào mới là một đấng quân vương? Chi tiết Lý Công Uẩn cõng Lê Long Đĩnh lên đỉnh núi để ngắm trọn vẹn giang sơn Đại Cồ Việt, để rồi chính thức Công Uấn tiếp nhận ngai vàng từ tay Lê Long Đĩnh đã toát lên toàn bộ hàm ý cuốn tiểu thuyết này. Xã tắc là tất cả, thiên hạ là tất cả! Xưa nay trong sử sách Đại Việt đấng quân vương nào cũng luôn đặt giang sơn, người dân nước Việt lên trên hết! Giang sơn Đại Việt phải đời đời bền vững, phải là của người dân Việt. Dưới tay Lý Công Uẩn một trăm năm dân cường nước mạnh, thái bình thịnh trị với Chiếu dời đô chứng tỏ tầm nhìn của Lê Long Đĩnh. Trong truyện còn một cảnh nữa khắc họa sâu thêm hàm ý ấy, đó là cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa Nhật Tôn với Lão tướng Trương Dã. Đọc đoạn này xong mình đã bồi hồi một lúc lâu. Mình chợt nhớ đến một tập phim hoạt hình Naruto, khi Shikamaru, cậu là nhân vật cơ trí nhất trong phim, chơi cờ cùng thầy mình là Asuma, ông hỏi cậu rằng có biết ai là Vua không. Mãi sau này cậu mới hiểu Vua ở đây không phải Hokage, người đứng đầu láng Lá, mà chính là những đứa trẻ sơ sinh sau này kế thừa làng Lá mới là vua. Thiên hạ mới là Vua! Lê Long Đĩnh đã làm được cái việc mà ít bậc quân vương nào làm được. So với cả giang sơn gấm hoa tươi đẹp này chút hy sinh ấy nào có đáng chi! Mình tin rằng hai cảnh này nếu lên phim, gặp được đạo diễn có tâm và diễn viên thực lực, thì nó sẽ không thua gì phim dã sử Tàu hết.
"Công Uẩn cuối cùng cũng thuận theo ý Long Đĩnh, thay hắn chống đỡ cả sơn hà. Còn hắn thit thay chàng quay về làng Diên Uẩn, sống một cuộc đời không ưu, không lo. Vậy nhưng Long Đĩnh rốt cuộc lại không thể như chàng mong muốn. Trái tim hắn cho tới tận lúc chết cũng vẫn không thể buông bỏ được gánh nặng giang sơn Đại Cồ Việt."
Hoàng Yến đã xây dựng bối cảnh trinh thám trong Dưới Cánh Đại Bàng với rất nhiều tình tiết gay cấn diễn ra liên tiếp, nhưng xây dựng rất hợp lý không hề gượng ép. Nhật Tôn với Thường Kiệt cứ xoay như chong chóng với án mạng không ngừng diễn ra. Tác giả đôi khi thêm thắt mấy tình tiết hài hước giữa hai anh chảng rất hóm hỉnh, ngộ nghĩnh. Như lúc Nhật Tôn lần đầu tiên trong đời biết thế nào là gái làng chơi. Tuy nhiên, lại một chi tiết khiến mình bận tâm nhiều là tình tiết Nhật Tôn lên tiếng chính thức xóa bỏ cái lệ trừng phạt gái chửa hoang là dìm chết dưới sông. Một nước đi mình đánh giá cao của Thái tử Nhật Tôn tức vua Lý Thánh Tông sau này. Tuy nhiên, cái hủ tục này hàng thế kỷ sau ở làng quê Việt Nam vẫn còn, đàn bà con gái chửa hoang thì sẽ bị gọt đầu thả bè trôi sông, ít nhất thì không bị dìm chết nữa. Đã là lệ làng sẽ rất khó trừ hẳn. Nhưng liên quan đến tình tiết này có cú twist khá thú vị.
Dưới Cánh Đại Bàng là một tác phẩm trinh thám lịch sử với đề tài gai góc, nhưng được tác giả viết với bút lực vững chắc. Ban đầu khi mới nghe sơ qua nội dung mình đã lo thay cho tác giả, khi tác phẩm đụng tới Lý Công Uẩn và Lê Long Đĩnh, sợ rằng nếu viết không khéo tác phẩm rất có thể bị ném đá. Nhưng cho đến giờ tác giả đã chứng minh Dưới Cánh Đại Bàng không bị làm sao hết và ngày càng được độc giả tìm đọc. Cuộc phiêu lưu của Nhật Tôn với Thường Kiệt sẽ tiếp tục với Sói Lửa dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2026. Hóng quá trời! Trước mắt mọi người có thể đọc Thượng Dương, là phần tiếp theo của cuốn này! Đinh Tị làm Dưới Cánh Đại Bàng quá đẹp, bìa nào cũng có hình đẹp hết trơn á!
Ba mươi năm trước bài sấm này vốn chỉ có bốn câu thơ đầu đánh dấu sự thay đổi triều đại từ Tiền Lê sang nhà Lý. Không ai ngờ vào thời vua Lý Thái Tông ba mươi năm sau thì cây gạo làng Diên Uẩn
Ngủ Cùng Người Chết bắt đầu với nhân vật Linh. Một lần trong đêm mưa gió ở miền biên giới phía Bắc heo hút, có một gia đình vào nhà cô xin trú nhờ. Gồm ông bố bà mẹ béo mập và một đứa con trai nhỏ tuồi
Chiến tranh! Đôi khi nó khiến chúng ta sống trong nguy hiểm, khiến chúng ta thấy ngột ngạt. Tâm trạng của những người lính dù là ở chiến tuyến nào cũng đều thế.
Phải thừa nhận rằng Nhà Giả Kim là một cuốn sách thực sự đáng đọc, tôi đã dành liên tục hơn 15 giờ để hoàn thành nó và sau khi gấp quyển sách lại là một cảm giác cực kỳ thỏa mãn.
Một cuốn sách đã được nhiều người yêu thích - Thư Viện Nửa Đêm của tác giả Matt Haig. Đây cũng là tiểu thuyết đoạt giải Best Fiction 2020 trên cộng đồng sách Goodreads.