Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tạp chí review trực tuyến

Tào tháo - ta thà phụ người trong thiên hạ chứ không để người thiên hạ phụ ta

Tào Tháo là một nhà chính trị, quân sự có thật trong lịch sử Trung Hoa. Có rất nhiều ý kiến về con người của ông, người thì cho rằng ông là đại anh hùng, kẻ lại cho rằng ông là đại tiểu nhân.  Dù đánh giá ông thế nào thì chúng ta cũng không thể phủ nhận tài năng và những phẩm chất vĩ đại tạo nên một hình tượng nhà quân sự lỗi lạc bậc nhất trong thời kì Tam Quốc. 

Hôm nay, chúng ta hãy cũng zreview nhìn nhận con người này dưới góc nhìn đa chiều. Tư liệu tham khảo được lấy từ tác phẩm văn học Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, có thể có nhiều chi tiết không đúng với lịch sử.

 Tào Tháo - Ta thà phụ người trong thiên hạ chứ không để người thiên hạ phụ ta


Được cho là gian hùng thời bình, anh hùng thời loạn, Tào Tháo sở hữu hai phẩm chất nổi bật tạo nên con người ông, một là gian xảo, hai là khả năng thích nghi. Nếu sinh ra ở thời bình, Tào Tháo sẽ là một quan lại bợ đỡ cấp trên, tham ô bên dưới, an phận thủ thường sống một cuộc đời bình lặng. Nhưng cuộc đời ông lại sinh ra vào thời loạn, do đó Tào Tháo đã sử dụng tố chất của mình để biến bản thân thành đại anh hùng trong mắt người đời thời bấy giờ. 

Việc đầu tiên đó là Tháo đã dám một mình dùng Thất Tinh Đao hành thích Đổng Trác. Mặc dù sự việc không thành nhưng qua đó cho thấy khí phách của Tào Tháo khi không cam chịu cảnh luồn cúi trước người Tây Lương.

 Tào Tháo - Ta thà phụ người trong thiên hạ chứ không để người thiên hạ phụ ta


Mang trong mình những phẩm chất đặc biệt nên Tào Tháo rất biết thu hút người tài. Sự thành công của Tào Tháo cũng là nhờ một phần rất lớn tự sự giúp sức của những quân sư như Quách Gia, Trình Dục, Giả Hủ, Tuân Úc hay các chiến tướng như Điển Vi, Hứa Chữ, Trương Liêu, anh em nhà Hạ Hầu.
Phẩm chất quan trọng khiến cho người tài đi theo ông và hết mực trung thành là bởi kĩ năng đối đãi với kẻ dưới cực kỳ khéo léo của ông. Ví như lúc Hứa Chử tưởng rằng Điêu Thuyền có ý ám sát Tào Tháo, ông đã lao vào để can ngăn nhưng hóa ra là Điêu Thuyền tự sát. Tào Tháo tuy có tức giận vì hành động lỗ mãng của Hứa Chữ, nhưng ông cũng chỉ giả vờ cho người đánh hai mươi trượng xong kêu tha không đánh nữa. Chỉ hành động nhỏ này cũng khiến cho Hứa Chữ nguyện trung thành với chủ công của mình cả đời. 

Mặc dù là bậc quân chủ, xung quanh nhiều quân sư tài ba nhưng không thể phủ nhận bản thân Tào Tháo cũng là một người có đầu óc quân sự lỗi lạc. Trong trận Quan Độ, ông đã nhìn ra được sự non kém trong việc điều quân của Viên Thiệu và điểm yếu chí tử nằm ở kho lương của địch, do đó ông đã tự tin dùng 10 vạn quân đánh bại 80 vạn quân Viên Thiệu. Một chiến thắng vang danh sử sách, từ đó mở ra một thế lực hùng mạnh cát cứ một phương, làm đối trọng với quân Giang Đông thời bấy giờ.

 Tào Tháo - Ta thà phụ người trong thiên hạ chứ không để người thiên hạ phụ ta


Bản tính đa nghi cũng là một phẩm chất nổi tiếng của ông, dân gian thường nói "đa nghi như Tào Tháo" cũng có lý do của nó. Vì nghi ngờ gia đình cha nuôi của mình - Lã Bá Sa mài dao để giết mình mà Tào Tháo đã "tiên hạ thủ vi cường" - ra tay trước. Ông và Trần Cung mỗi người mỗi kiếm chém giết 17 mạng người nhà Lã Bá Sa. Sau khi biết mình đã giết nhầm, Tào Tháo không những không hối hận mà còn giết luôn cả Lã Bá Sa khi ông đang đi mua rượu về để thiết đãi Tào Tháo. Giải thích cho sự tàn bạo đó của mình, Tào Tháo nói rằng : "Ta thà phụ người trong thiện hạ chứ không để người thiện hạ phụ ta". Ông sợ rằng không giết Lã Bá Sa thì người cha nuôi sẽ báo án lên quan quân triều đình và ông khó lòng thoát được. Một điển tích khác khi người ta nói về sự đa nghi của ông, lúc về già ông bị đau đầu dữ dội trong nhiều năm liền, chạy chữa khắp nơi không khỏi. Thần y Hoa Đà được mời đến, Hoa Đà nói rằng Tào Tháo bị tụ gió độc, cần bổ não ra lấy hết gió độc ra ngoài thì mới giữ được tính mạng. Nghi ngờ Hoa Đà do Gia Cát Lượng mua chuộc ám sát mình, Tào Tháo đã nhốt Hoa Đà vào ngục. Ít lâu sau Hoa Đà chết trong ngục tối, Tào Tháo cũng không chữa được bệnh mà qua đời ngay sau đó không lâu. 

Tài năng thơ văn của Tào Tháo cũng là một điểm nhấn nổi bật trong cuộc đời ông, cùng với hai người con Tào Phi, Tào Thực, cả ba được người đời ca tụng là Tam Tào Thi Nhân. Mặc dù thơ văn của ông đến nay còn lưu truyền không nhiều, nhưng ước tính đương thời ông sở hữu hơn 500 bài thơ, chủ đề hầu hết nói về cuộc sống, tình cảm cha con, vua tôi, chủ tớ ....

 Tào Tháo - Ta thà phụ người trong thiên hạ chứ không để người thiên hạ phụ ta


Nhìn từ một góc nhìn khác thì Tào Tháo cũng là một đại gian thần đáng bị khinh miệt khi ông được cho là đã bức ép thiên tử, giam lỏng và bắt Hán Hiến Đế phải đưa ra nhiều chiếu chỉ theo ý mình. Nhẫn tâm ra tay sát hại hoàng hậu đương thời để bắt vua cưới con gái mình, đưa con gái lên làm hoàng hậu mới. Mặc dù mang danh là vua nhưng mọi quyền hành đều nằm trong tay Tào Tháo, vua chỉ là bù nhìn, là con rối quyền lực trong tay ông. Ngày xưa, ông đã từng căm thù Đổng Trác như thế nào thì bây giờ chính ông lại trở thành một Đổng Trác thứ hai.

Một sở thích biến thái của Tào Tháo cũng được nhiều người nhắc tới đó là sở thích chiếm hữu vợ con của kẻ địch. Sau khi đánh thắng Lữ Bố, Viên Thiệu, Viên Thuật, Tháo bắt giữ vợ con của những bại tướng này và nạp làm thê thiếp cho riêng mình. Cũng vì tính cách này mà Tào Tháo đã làm mất một chiến tướng của mình là Điển Vi. Điển Vi là cận vệ đắc lực theo bảo vệ Tào Tháo, sau khi dụ hàng được Trương Tú, thấy người thím của Tú xinh đẹp, Tào Tháo đã cưỡng ép về làm thiếp cho mình. Trương Tú không chịu được nhục nên đã dấy quân làm phản. Trong đêm hàng trăm thích khách đến phủ để giết Tào Tháo. Điển Vi một mình đứng chặn ở cửa chém giết tới lui không biết bao nhiêu là sinh mạng, quyết tâm bảo vệ chủ công của mình. Khi quân cứu viện tới nơi thì Điển Vi cũng chết do bị thương quá nhiều. Tào Tháo thấy vậy thì khóc thương Điển Vi nhưng hối hận cũng đã muộn màng.

Tóm lại, dù vẫn còn mang trong mình những ham muốn nhục dục thông thường nhưng không thể phủ nhận Tào Tháo là một đại nhân vật trong dòng chảy của lịch sử Trung Hoa.