Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tạp chí review trực tuyến

Review Trần Quang Khải - Vị Thượng tướng Thái sư nhà Trần

Nhà Trần, kể cả Hậu Trần chỉ có một người duy nhất được phong là Thượng tướng Thái sư, tước Đại vương. Đó là Trần Quang Khải, con trai thứ ba của vua Trần Thái Tông và là em vua Trần Thánh Tông.

Sử chép rằng: “Quang Khải lúc mới sinh, phát chứng kinh suýt chết, Thái Tông lấy áo của Thượng hoàng và thanh gươm báu truyền quốc để bên cạnh rồi bảo: Nếu sống lại, sẽ ban cho những thứ này. Đến khi sống lại, Thái Tông nói: Gươm báu truyền quốc, không thể trao bừa, chỉ ban cho áo của Thượng hoàng thôi.”  (Ý nói, không thể truyền ngôi báu cho, vì đã có Thái tử Hoảng sau này lên làm vua rồi.)

Vị hoàng tử ốm đau đó từ nhỏ đã được phong là Chiêu Minh Vương và cho thọ giáo Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện Giám tu Lê Văn Hưu. Trần Quang Khải thông minh học rộng biết nhiều, tài kiêm văn võ.

Năm vương 20 tuổi được phong làm Thái úy, đứng đầu trăm quan. Bốn năm sau, được cử làm Thượng tướng vào trấn thủ Nghệ An.

Khi quân Nguyên tiến đánh nước ta lần thứ hai và thứ ba, Trần Hưng Đạo được phong làm Quốc công Tiết chế thống lĩnh toàn quân, vương được phong làm Thượng tướng Thái sư lo quán xuyến mọi việc nội chính trong triều.

Hai vị vương là hai trụ cột của nhà Trần, nhưng cũng là đại diện của hai chi họ vốn có mâu thuẫn với nhau từ đời cha. Vì lợi ích của đất nước, họ đã giảng hòa và kết thân với nhau. Về mặt chức tước, Trần Quang Khải còn cao hơn Trần Quốc Tuấn một bậc. Thượng tướng ngoài việc nội chính, còn đảm nhận trọng trách ngoại giao. Năm 1281, vua Nguyên cử Sài Thung sang sứ. Biết Sài Thung hung hăng càn rỡ, một mặt ông kiên quyết không khoan nhượng để bảo vệ chủ quyền đất nước, mặt khác khôn khéo mềm dẻo để hòa hoãn. Sau khi tiếp xúc với vị Thượng tướng của ta, Sài Thung đã trở nên biết điều hơn. Hắn đành trở về triều đình phương Bắc mà không đạt được các yêu sách của nhà Nguyên. Biết hắn là Thượng thư bộ Lễ, cũng có tài thơ phú Quang Khải còn làm thơ tiễn chân:

Tiễn người về Bắc dạ khôn khuây
Vó ngựa băng chừng nẻo nước mây.
Nam Bắc bâng khuâng cờ trở bóng,
Ân tình dào dạt chén chia tay.
Nói cười thoáng đã xa hình dáng
Xướng hoạ còn ngờ mới đó đây.
Biết đến khi nào cùng gặp lại,
Cầm tay bày tỏ nỗi niềm tây.


 Review Trần Quang Khải - Vị Thượng tướng Thái sư nhà Trần


Là Thượng tướng Thái sư, lo việc triều chính, Trần Quang Khải còn trực tiếp cầm quân đánh giặc. Năm 1285, trong cuộc chống Nguyên Mông lần thứ hai, có lần thuyền ông bị bốc cháy trong lúc đang ngủ, may có vợ là công chúa Phụng Dương đánh thức ông mới thoát. Bấy giờ Toa Đô từ Chiêm Thành đánh ra, lại có Ô Mã Nhi theo đường biển tiếp ứng. Ngoài Bắc, đại quân của Thoát Hoan tiến vào Thăng Long... Theo đề xuất của Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo, nhà vua cử Thượng tướng Trần Quang Khải đem quân vào Nghệ An chặn giặc. Ông chia quân chốt giữ các nơi hiểm yếu. Toa Đô và Ô Mã Nhi đánh nhiều lần không được, lương thực cạn hết, phải đem quân ra Bắc. Trần Quang Khải cho người về Thanh Hóa cấp báo. Trần Hưng Đạo cử Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật cùng Trần Quốc Toản và Nguyễn Khoái đem 5 vạn quân đón đánh chúng tại cửa Hàm Tử thuộc huyện Đông An, tỉnh Hưng Yên. Quân Nguyên thua to chết hại rất nhiều.

Lúc bấy giờ đại binh của Thoát Hoan đóng tại Thăng Long, còn chiến thuyền thì đóng ở bến Chương Dương (nay thuộc Thường Tín, Hà Nội). Trần Quang Khải được lệnh vua, cùng Trần Quốc Toản và Phạm Ngũ Lão đem quân từ Thanh Hóa đi thuyền vòng đường biển ra đến bến Chương Dương tấn công chiến thuyền của quân Nguyên. Quân Nguyên chống không nổi phải bỏ thuyền lên bờ chạy. Trần Quang Khải đem quân đuổi đánh đến chân thành Thăng Long. Ông lập mưu cho phục binh đóng sẵn ngoài thành. Thoát Hoan đem quân ra đánh, bị phục binh đánh úp, quân Nguyên đại bại phải bỏ thành Thăng Long sang bên kia sông Hồng giữ mặt Kinh Bắc (Bắc Ninh ngày nay). Trần Quang Khải cho quân vào chiếm lại Thăng Long, và sai người về Thanh Hóa báo tin. Khí thế quân nhà Trần lên rất mạnh, sau đó lại thắng tiếp nhiều trận và cuối cùng đuổi được Thoát Hoan về nước. Đó chính là lúc Trần Quang Khải viết bài thơ Tụng giá hoàn kinh sư đầy hào sáng, còn lưu truyền đến nay:

Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm hồ Hàm Tử quan
Thái bình tu trí lực
Vạn cổ thử giang san.
 
(Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù
Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy nghìn thu.)

(Trần Trọng Kim dịch)


Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải quả là người văn võ toàn tài. Thơ của ông được tập hợp trong Lạc đạo tập, nay đã thất lạc, chỉ còn lưu lại mấy bài. Nhưng thế cũng đủ để xếp ông vào những nhà thơ tiêu biểu thời Trần. Nhà sử học Phan Huy Chú khen thơ ông “thanh thoát, nhàn nhã mà sâu xa, lí thú”. Chẳng hạn, bài Vườn Phúc Hung ông viết bằng chữ Hán được dịch ra như sau:

Phúc Hưng một khoảnh nước bao quanh
Vài mẫu ruộng quê đất rộng thênh
Hết tuyết chòm mai hoa trắng xóa
Quang mây đỉnh trúc sắc tươi xanh
Nắng lên mời khách pha trà nhấp
Mưa lạnh sai đồng dỡ thuốc nhanh
Báo giặc ải Nam không khói lửa
Bên giường một giấc ngủ ngon lành.


Sử gia triều Nguyễn sau này đánh giá: “Quang Khải lúc làm tướng võ, lúc làm tướng văn, giúp vương nghiệp nhà Trần, uy danh ngang với Quốc Tuấn.”